THIẾU ACID FOLIC – NGUYÊN NHÂN, DẤU HIỆU VÀ ĐIỀU TRỊ
Acid folic giữ vai trò quan trọng đối với cơ thể, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Thiếu acid folic có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh và các biến chứng nguy hiểm khác. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm bạn đang thiếu axit folic?
A.Thiếu acid folic là gì?
Thiếu acid folic là tình trạng cơ thể thiếu hụt một loại vitamin B để tạo ra các tế bào hồng cầu. Khi không đủ các tế bào hồng cầu, bạn sẽ bị thiếu máu.
Các tế bào hồng cầu đảm nhận nhiệm vụ mang oxy đến tất cả các cơ quan bộ phận trong cơ thể. Khi bị thiếu máu, tất cả các mô và cơ quan không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, dẫn đến cơ thể không làm việc bình thường.
Tình trạng thiếu hụt acid folic trầm trọng có thể gây ra thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Đây là bệnh lý mà các tế bào hồng cầu lớn hơn bình thường, số lượng ít, hình bầu dục, không tròn. Các tế bào hồng cầu này cũng không thể sống lâu như các tế bào hồng cầu bình thường.
Hầu hết mọi người đều dung nạp đủ vitamin B9 tự nhiên (axit folic) thông qua chế độ ăn uống. Tuy nhiên, một số người có chế độ ăn kém hoặc có vấn đề trong việc hấp thụ dẫn đến thiếu hụt vitamin này. Phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong thai kỳ thiếu acid folic có nhiều nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
Thiếu hay thừa acid folic đều gây hại. Do đó, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung acid folic hàng ngày với liều lượng thích hợp.
B. Dấu hiệu thiếu acid folic
Một số người không có bất kỳ triệu chứng thiếu acid folic. Thường tình trạng được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu vì một lý do khác trước khi phát triển thành triệu chứng.
Thiếu axit folic thường dẫn đến thiếu máu, do đó bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng;
- Nhức đầu;
- Chóng mặt;
- Khó thở;
- Đánh trống ngực;
- Ù tai;
- Da nhợt nhạt;
- Ăn uống không ngon miệng và sụt cân.
Ngoài những triệu chứng điển hình của thiếu máu kể trên, nếu bạn bị thiếu máu do thiếu folate có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như:
- Lưỡi đỏ và đau;
- Loét miệng;
- Da vàng nhạt;
- Rối loạn thị lực;
- Tê và ngứa ran ở bàn tay, bàn chân;
- Cáu kỉnh và trầm cảm;
- Yếu cơ;
- Cảm giác có kiến bò hoặc châm chích;
- Suy giảm trí tuệ như giảm trí nhớ, sự phán đoán và thấu hiểu.
C. Ai có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu acid folic?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng thiếu máu do thiếu hụt acid folic có thể kể đến:
- Tiêu thụ thực phẩm nấu quá chín.
- Chế độ dinh dưỡng nghèo vitamin.
- Uống nhiều rượu bia gây cản trở sự hấp thụ folate.
- Mắc bệnh lý như bệnh hồng cầu hình liềm.
- Sử dụng thuốc.
- Đang mang thai.
D. Nguyên nhân thiếu acid folic
Nguyên nhân thiếu acid folic hay thiếu folate bao gồm:
1. Chế độ ăn uống
Không bổ sung đủ các loại thực phẩm giàu vitamin B9 tự nhiên (folate) là nguyên nhân phổ biến nhất. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi, người có chế độ ăn uống kém hoặc cơ thể có vấn đề trong việc hấp thụ vitamin. Ngoài ra, việc nấu thực phẩm quá chín cũng có thể phá hủy một lượng lớn các vitamin, trong đó có folate.
2. Mang thai
Axit folic là một loại vitamin B. Cơ thể chúng ta sử dụng nó để tạo ra các tế bào mới. Mọi người đều cần axit folic, nhưng phụ nữ mang thai thì axit folic thực sự rất quan trọng. Nếu người phụ nữ có đủ axit folic trong cơ thể trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở não và cột sống của thai nhi. Những dị tật bẩm sinh này là dị tật bẩm sinh ống thần kinh (Neural Tube Defect – NTD).
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC kêu gọi mọi phụ nữ đang có ý định mang thai và đang có thai nên bổ sung 400 microgam (400 mcg) axit folic tổng hợp mỗi ngày để ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh.
Những dị tật bẩm sinh ở não và cột sống xảy ra trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ, thường là trước khi người phụ nữ phát hiện ra mình có thai. Do đó, để axit folic phát huy tác dụng, chị em cần dùng mỗi ngày, bắt đầu từ trước khi mang thai.
Mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng acid folic bị thiếu. Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ hấp thụ acid folic chậm hơn, trong khi thai nhi lại tiêu thụ acid folic của cơ thể mẹ để phát triển. Ngoài ra, phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu acid folic cao hơn trong giai đoạn cuối thai kỳ, nhất là khi không ăn uống đủ chất trong thời gian mang thai.
3. Bệnh lý
Một số bệnh lý ảnh hưởng đến sự hấp thu ở đường tiêu hóa có thể dẫn đến tình trạng thiếu acid folic hoặc folate, chẳng hạn như bệnh viêm đường ruột Crohn, bệnh không dung nạp gluten Celiac, một số bệnh ung thư hoặc vấn đề thận nghiêm trọng cần phải lọc máu.
4. Gen di truyền
Sau khi được bổ sung vào cơ thể, acid folic cần có thời gian để chuyển hóa tất cả thành 5-MTHF. Tuy nhiên, một số người có đột biến gen di truyền làm cho quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm hơn hoặc không hiệu quả, dẫn đến thiếu hụt acid folic mặc dù họ vẫn ăn uống đủ chất hoặc bổ sung thực phẩm chức năng đầy đủ.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể can thiệp vào sự chuyển hóa của folate, làm giảm khả năng chuyển hóa như các loại thuốc chống co giật, thuốc điều trị viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp, huyết áp cao, đái tháo đường, thuốc kháng sinh hoặc thuốc điều trị ung thư… Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách bổ sung acid folic thích hợp.
6. Sử dụng nhiều rượu bia
Uống nhiều rượu bia cũng có thể gây ra tình trạng thiếu acid folic bởi rượu bia làm cản trở sự hấp thụ folate. Ngoài ra, rượu bia cũng làm tăng bài tiết folate qua nước tiểu.
E. Thiếu acid folic có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp thiếu máu do thiếu acid folic được điều trị dễ dàng, tỷ lệ gây biến chứng nghiêm trọng là rất hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn bị thiếu loại vitamin này trong một thời gian dài nhưng không được điều trị, nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và tim mạch sẽ tăng lên.
Bạn cũng có thể gặp các vấn đề ở khả năng sinh sản, khó mang thai hơn bình thường. Tình trạng này sẽ được giải quyết khi bạn bổ sung lại đủ lượng acid folic cần thiết.
Khi mang thai, nếu phụ nữ không bổ sung đủ acid folic, nguy cơ bong nhau thai gây sảy thai hoặc sinh non sẽ cao hơn. Đây là tình trạng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung và làm gián đoạn lưu lượng máu cung cấp đến thai nhi. Nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời, thai nhi có nguy cơ cao tử vong.
Trẻ sơ sinh khi sinh ra cũng có nhiều nguy cơ hơn nếu trong thai kỳ mẹ bị thiếu acid folic. Trẻ có thể có cân nặng khi sinh thấp hoặc sinh trước ngày dự sinh. Nguy hiểm hơn, trẻ có nhiều khả năng mắc bệnh nứt đốt sống – một căn bệnh gây tổn thương tủy sống và dây thần kinh.
Bổ sung acid folic là việc vô cùng quan trọng trước và trong thai kỳ để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của thai nhi, đảm bảo trẻ sơ sinh được an toàn, khỏe mạnh và phát triển tối ưu. Tốt nhất, phụ nữ có kế hoạch mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách bổ sung acid folic thích hợp và đúng cách. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, tránh thừa hoặc thiếu acid folic đều gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
F. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ngay khi nhận thấy các triệu chứng của thiếu máu do thiếu acid folic hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, bạn nên thăm khám ngay để được bác sĩ chuyên môn kiểm tra và hướng dẫn cụ thể. Mỗi trường hợp sẽ được điều trị cá thể hóa, hướng dẫn liều lượng acid folic thích hợp. Không được chủ quan để tình trạng kéo dài và trở nên tồi tệ, có thể gây ra những tổn thương lâu dài không thể can thiệp.
G. Chẩn đoán thiếu acid folic như thế nào?
Bác sĩ sẽ thăm khám, kiểm tra, hỏi bệnh sử và các triệu chứng bạn gặp phải. Bạn sẽ được làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để kiểm tra số lượng tế bào hồng cầu, mức độ folate trong tế bào hồng cầu để xem cơ thể có thiếu acid folic hay không.
Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra mức độ vitamin B12 bởi một số người ở tình trạng này sẽ có nồng độ vitamin B12 thấp. Hai tình trạng này gây ra các triệu chứng tương tự có thể nhầm lẫn.
H. Điều trị thiếu acid folic như thế nào?
Để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp ở mỗi người, bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố sau:
- Độ tuổi, tình trạng sức khỏe và bệnh sử nếu có.
- Thời gian xảy ra các triệu chứng.
- Các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị đang áp dụng.
- Mong muốn điều trị của người bệnh.
Thông thường, các phương pháp điều trị tình trạng thiếu acid folic gồm có thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Một số trường hợp cần sử dụng thêm thuốc hoặc có phác đồ điều trị bệnh tiềm ẩn phù hợp.
Nếu bạn có thói quen sử dụng rượu bia, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cắt giảm hoặc ngừng sử dụng. Trường hợp có vấn đề tiêu hóa gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị tình trạng đó trước tiên.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng thiếu acid folic
Các giải pháp phòng ngừa thiếu acid folic gồm:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, thực hiện chế độ ăn có các loại thực phẩm giàu axit folic như rau lá màu xanh đậm, trái cây họ quýt và các loại đậu.
- Kết hợp thêm viên uống bổ sung. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo thanh thiếu niên và người trưởng thành cần khoảng 240 mcg acid folic mỗi ngày. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần liều lượng khoảng 400 mcg. Khi mang thai, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung liều lượng phù hợp. Một số trường hợp gia đình có tiền sử dị tật ống thần kinh sẽ cần bổ sung acid folic nhiều hơn, có thể lên đến 4.000 mcg mỗi ngày.
- Thực hiện khám sức khỏe định kỳ và thực hiện khám thai đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thăm khám ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn chính xác nhất.
ĐẶC BIỆT Phytex Farma hiện đang phân phối độc quyền dòng sản phẩm Viên uống bổ sung sắt EFEN – xuất xứ từ Pháp – thành phần chính gồm Sắt Fumarate kết hợp cùng axit Folic, Vitamin C và Inulin đem đến sự tiện lợi và tối ưu hấp thụ tốt nhất cho sức khỏe của quý khách hàng !
Mọi chi tiết xem thêm tại https://phytexfarma.com/san-pham/efen/ hoặc Hotline: 0707 555 999 để được tư vấn thêm về sản phẩm – Xin trân trọng cảm ơn quý khách và quý vị đọc giả đã xem.